1. Bạch cầu là gì và vai trò bạch cầu đối với cơ thể
Trước khi đi vào chi tiết về chỉ số bạch cầu bình thường, hãy cùng tìm hiểu bạch cầu là gì và vai trò bạch cầu trong cơ thể.
Bạch cầu là một loại tế bào máu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác. Bạch cầu được sản sinh phần lớn trong tủy xương và có mặt trong máu cùng các mô lympho của cơ thể.
Có các loại bạch cầu khác nhau như: Các bạch cầu đoạn trung tính, bạch cầu lympho, bạch cầu mono, bạch cầu đoạn ưa acid, bạch cầu đoạn ưa bazo. Mỗi loại bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chống đỡ lại các tác nhân ngoại lai qua 2 cơ chế thực bào và sản xuất kháng thể.
Việc hiểu rõ các loại bạch cầu giúp chúng ta nhận diện sớm các vấn đề sức khỏe và duy trì hệ miễn dịch mạnh mẽ. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hệ miễn dịch là cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến bạch cầu.
Bạch cầu được sản sinh chủ yếu trong tủy xương và có mặt trong máu và các mô lympho của cơ thể
2. Chỉ số bạch cầu bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số bạch cầu bình thường là phạm vi số lượng bạch cầu trong máu của một người khỏe mạnh. Để đánh giá chỉ số này, các bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để đếm số lượng bạch cầu trong một đơn vị thể tích máu. Chỉ số bạch cầu bình thường có thể thay đổi tùy theo tuổi tác, giới tính, cũng như hiện trạng sức khỏe của mỗi người.
- Chỉ số bạch cầu bình thường ở người trưởng thành từ 4.500 đến 10.500 tế bào/ mm3 máu.
- Chỉ số bạch cầu bình thường ở trẻ em có thể cao hơn, khoảng 5.000 đến 15.000 tế bào/ mm3 máu, tùy theo độ tuổi.
Tuy nhiên, chỉ số này có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm một chút khi bạn mang thai hoặc tùy thuộc vào độ tuổi của bạn. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm thấy chỉ số bạch cầu cao đột ngột hoặc giảm xuống bất thường, bạn có thể nghĩ đến đó là dấu hiệu báo trước của các bệnh lý nguy hiểm đang tiềm ẩn.
Chỉ số bạch cầu bình thường ở người trưởng thành từ 4.500 đến 10.500 tế bào/ mm3 máu.
3. Những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số bạch cầu
Chỉ số bạch cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một số yếu tố có thể làm tăng hoặc giảm số lượng bạch cầu trong máu, bao gồm:
- Mang thai: Sự thay đổi hormon và miễn dịch trong quá trình mang thai có thể làm ảnh hưởng tới chỉ số bạch cầu.
- Nhiễm trùng: Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng, lượng bạch cầu trong máu có thể gia tăng nhằm giúp cơ thể chiến đấu với các tác nhân gây bệnh.
- Viêm nhiễm: Các dạng viêm nhiễm như viêm khớp, viêm ruột hoặc viêm gan… là tác nhân khiến số lượng bạch cầu tăng lên đáng kể.
- Bệnh ung thư: Một số loại ung thư, điển hình là ung thư máu dẫn tới thay đổi chỉ số bạch cầu.
- Rối loạn tự miễn: Những bệnh lý như lupus, bệnh Crohn có thể gây ra sự thay đổi trong chỉ số bạch cầu.
- Thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc corticosteroid, có nguy cơ giảm số lượng bạch cầu.
- Căng thẳng và mệt mỏi: Stress kéo dài và thiếu ngủ cũng có thể làm thay đổi số lượng bạch cầu.
4. Khi nào cần kiểm tra công thức bạch cầu?
Xét nghiệm công thức bạch cầu là một phần quan trọng trong việc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như sốt kéo dài, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, nhiễm trùng tái phát hoặc các dấu hiệu bất thường khác, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra lượng bạch cầu và xác định tình trạng sức khỏe của bạn.
Bệnh nhân khi thấy các biểu hiện sau đây có thể tìm đến bác sĩ để kiểm tra chỉ số bạch cầu:
- Tình trạng sụt cân không rõ nguyên nhân: Có thể ảnh hưởng đến chỉ số bạch cầu nếu tình trạng này liên quan đến các bệnh lý gây suy yếu hệ miễn dịch hoặc thiếu hụt dinh dưỡng.
- Dấu hiệu của nhiễm trùng: Sốt, đau nhức, sưng hoặc đỏ vùng da có thể chỉ ra nhiễm trùng, và kiểm tra chỉ số bạch cầu sẽ giúp xác định nguyên nhân.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Nếu bạn có hệ miễn dịch yếu, việc theo dõi số lượng bạch cầu sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.
- Các bệnh lý mạn tính: Đối với những người mắc bệnh lý tự miễn, bệnh viêm nhiễm hay ung thư, việc theo dõi thường xuyên chỉ số bạch cầu là điều cần thiết.
5. Cần làm gì khi chỉ số bạch cầu bất thường?
Nếu bạn nhận thấy chỉ số bạch cầu của mình nằm ngoài phạm vi bình thường, đừng quá lo lắng. Kết quả xét nghiệm chỉ số bạch cầu có thể sẽ không chỉ ra một bệnh lý cụ thể, mà chỉ giúp bác sĩ xác định một số vấn đề tiềm ẩn.
Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố khác như triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các kết quả xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác. Vì thế hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.