Những xét nghiệm cần lưu ý khi khám sức khỏe

Xét nghiệm giúp người bệnh phát hiện kịp thời các bệnh lý ngay từ giai đoạn đầu, đồng thời giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá quá trình điều trị.

 

Một số xét nghiệm cần lưu ý khi khám sức khỏe:

Xét nghiệm công thức máu

Xét nghiệm công thức máu là một xét nghiệm thường quy cung cấp thông tin về tình trạng của bệnh nhân hoặc người xét nghiệm. Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất đối với huyết học và y khoa, cho biết cung cấp nhiều giá trị trong các bệnh lý thường gặp như: nhiễm trùng, ung thư máu, tình trạng thiếu máu…

 

Số lượng và tính chất của các tế bào thành phần có trong máu này sẽ được thể hiện dưới giá trị đo lường riêng, giúp bác sĩ xác định những vấn đề liên quan đến huyết học của sức khoẻ bệnh nhân/người xét nghiệm.

Xét nghiệm đường huyết

Xét nghiệm đường huyết là định lượng hàm lượng glucose có trong máu. Xét nghiệm này thường nhằm mục đích phát hiện và theo dõi bệnh đái tháo đường type 1, 2 và đái tháo đường thai kỳ.

Bệnh đái tháo đường được xếp vào loại bệnh rối loạn chuyển hóa. Việc phát hiện sớm giúp ích rất nhiều trong việc điều trị nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh

Xét nghiệm cholesterol toàn phần

Xét nghiệm cholesterol toàn phần là một trong những phương pháp xét nghiệm lipid máu, giúp đánh giá chế độ dinh dưỡng, chẩn đoán nguy cơ xơ vữa động mạch và một số bệnh lý khác. Xét nghiệm cholesterol toàn phần được sử dụng rất phổ biến trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lý tim mạch.

Xét nghiệm chức năng gan

Gan là bộ phận quan trọng trong cơ thể con người, khi gan bị tổn thương không chỉ gan bị ảnh hưởng mà các bộ phận khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những bệnh lý gan thường gặp như: viêm gan do siêu vi, viêm gan do rượu bia, viêm gan do ký sinh trùng, gan nhiễm mỡ… Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế những nguy hiểm của các biến chứng như: xơ gan, ung thư gan…

Xét nghiệm chức năng thận

Xét nghiệm chức năng thận được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan trong việc loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Đây là phương pháp xét nghiệm máu hoặc nước tiểu, giúp xác định mức độ và hiệu quả hoạt động của cơ quan. Trong đó, hầu hết đều tập trung vào đo mức lọc cầu thận (GFR) nhằm đánh giá khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.

 

Những lưu ý để đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm

Người xét nghiệm cần lưu ý những điều sau đây để đảm bảo tính chính xác của kết quả:

– Thời điểm lấy máu làm xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng, vì vậy, cần nhịn đói 8 – 10 giờ trước khi làm xét nghiệm hoặc không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy.

– Tránh sử dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, cà phê), nước ngọt, nước hoa quả… vài giờ trước khi lấy mẫu làm xét nghiệm để có kết quả chính xác.

– Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, nếu bạn đang sử dụng bất kể loại thuốc nào thì cần thông báo cho bác sĩ để có tư vấn, chỉ định phù hợp.

– Đối với các xét nghiệm nước tiểu, bạn cần phải vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài thật sạch với nước, không dùng chất tẩy rửa vì có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

– Đối với xét nghiệm tế bào cổ tử cung, làm tốt nhất sau khi sạch kinh 7 – 10 ngày, không làm xét nghiệm này khi đang trong chu kỳ kinh hoặc đang có ra máu âm đạo.